Quản trị website – Doanh nghiệp cần biết những gì?

Xây dựng một website, doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng giao tiếp của bạn với khách hàng, tăng cường sự tín nhiệm của khách hàng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và nhãn hiệu sản phẩm, cung cấp thông tin và phát triển hoạt động bán hàng 24 giờ trong ngày, 07 ngày trong tuần v.v

Nhớ in địa chỉ website trên name card.

Card visit của bạn có tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ công ty và email- đương nhiên rồi! Tuy nhiên, hãy tăng tính chuyên nghiệp bằng khoảng không dành cho địa chỉ website của doanh nghiệp. Đối với các đối tác tiềm năng, việc gọi điện trực tiếp để hỏi thông tin từ bạn đôi lúc không phải là giải pháp. Hãy tạo điều kiện cho họ tìm hiểu thông tin về công ty của bạn một cách tự nhiên và hoàn toàn khách quan.

Chuyên môn hoá công đoạn “làm mới” trang tin.

Người truy nhập vào một website với mục đích tìm kiếm thông tin. Website của bạn sẽ không thể níu chân người truy nhập nếu không thường xuyên được cập nhật những thông tin mới. Chính vì vậy, bên cạnh mảng nội dung tự quảng bá, bạn nên khéo léo lồng thêm những mảng thông tin mang tính thời sự- đặc biệt ưu tiên thông tin có liên quan tới lĩnh vực kinh doanh của mình. Kinh nghiệm, hãy đầu tư phân công riêng nhân lực trịu trách nhiệm bảo trì, cập nhật thông tin. Trường hợp UBND tỉnh Nam Định ký hợp đồng với cty tư nhân Elinco để cập nhật website namdinh.gov.vn là một bài học để các doanh nghiệp xem xét.

Không ngừng tiến hành các hoạt động marketing trực tuyến.

Website dù hay đến đâu cũng sẽ chẳng là gì nếu không được nhiều người biết tới. Bên cạnh đó, bạn có ít cơ hội quảng bá sản phẩm của mình, thúc đẩy tìm kiếm thêm đối tác. Có rất nhiều cách để website được nhiều người biết tới: quảng cáo qua thư điện tử, qua các diễn đàn (forum) trực tuyến, qua các công cụ hỗ trợ tìm kiếm (Google, Atla Vista v.v..). Hiện tại, trên mạng tồn tại rất nhiều cá nhân rao bán danh sách email (mailing list). Tuy nhiên, quảng cáo qua thư điện tử là giải pháp không nên quá lạm dụng vì rất dễ gây phản cảm (spam).

Website cần ghi rõ thông tin về doanh nghiệp.

Địa chỉ công ty, số điện thoại liên lạc là mảng thông tin cần thiết phải xuất hiện trên website của doanh nghiệp. Bên cạnh việc đảm bảo xác nhận công ty bạn có thực, tạo niềm tin cho người truy nhập, địa chỉ còn giúp “đưa đường, chỉ lối” cho các đối tác tiềm năng tìm tới bạn. Trong trường hợp tối ưu, thông tin về doanh nghiệp có thể bao gồm cả email của chủ doanh nghiệp (lãnh đạo công ty).

Bạn lấy được gì từ khách viếng thăm?

Nếu website có yêu cầu khách hàng đăng ký thành viên (member) để nhận dịch vụ (ví dụ thông tin cập nhật về sản phẩm mới, trợ giúp kỹ thuật khi mua hàng v.v ), bạn chắc hẳn đã xây dựng được một cộng đồng khách hàng mới thông qua công cụ thông tin trực tuyến. Trong trường hợp wesite không yêu cầu đăng ký thành viên, ít nhất quản trị website cũng cho bạn được một danh sách các thông số kỹ thuật: số khách viếng thăm phân theo từng múi giờ, “định vị” khách hàng (thông qua địa chỉ IP truy nhập) v.v Đáng chú ý, nếu khéo léo bạn còn có thể chèn thêm những thông tin dạng thăm dò (survey) nhằm xác định nhu cầu của khách hàng tiềm năng hoặc ít nhất là những góp ý của họ đối với website của bạn.

Theo anh Quang Hiểu, chuyên viên Đài Web Công ty Điện toán truyền số liệu khu vực 1 (VDC1) – đơn vị đã và đang triển khai xây dựng website cho rất nhiều doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm tới công đoạn thu thập thông tin từ phía khách hàng. Website cần đóng vai trò “cầu nối” và mang tính tương tác hai chiều đó là quảng bá cho doanh nghiệp của bạn (mang thông tin từ bạn tới khách hàng) và giúp bạn hiểu hơn về nhu cầu của họ (mang thông tin từ khách hàng tới bạn).

Thường xuyên sao lưu (backup) dữ liệu .

Điểm lưu ý cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là hãy thường xuyên sao lưu (backup) dữ liệu. Công đoạn này đôi khi phải nhờ tới các nhà cung cấp dịch vụ quản trị website. Động tác backup có thể phục vụ mục tiêu chính: tái sử dụng khi cần thiết.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN